Đến ngày nay Tháp Bà Ponagar vẫn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Nha Trang. Vì nơi này là một di tích lịch sử nên du khách hãy vui lòng tuân thủ những quy định do ban quản lý đưa ra nhé. Bây giờ hãy cũng Kênh Nha Trang dạo quanh một vòng Tháp Bà Ponagar nào.
Contents
Giới thiệu về Tháp Bà Ponagar
Tháp bà Ponagar là khu trung tâm tin ngưỡng của người Chămpa cổ, nó vừa là tên của ngôi đền cao nhất vừa là tên của công trình kiến trúc này.
Tháp Bà Ponagar còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar). Là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang – Khánh Hòa.
Để đến được Tháp bà Ponagar, bạn có thể đi bằng hai con đường đó là đi qua cầu Xóm Bóng và cầu Trần Phú. Nếu đi theo cầu Trần Phú, qua cầu bạn sẽ phải rẻ trái đi vào đường Tháp Bà hoặc đi đường Cù Huân nếu bạn đi xe ô tô. Còn nếu đi cầu Xóm Bóng thì trước tiên bạn phải đi qua cầu Hà Ra.
Từ trên cầu Bóng, du khách có thể nhìn thấy dòng chữ “ Tháp bà Ponagar” mà bạn không thể thấy khi đứng ở cổng chính. Vào ban đêm, tháp chính và dòng chữ này sẽ được thắp sáng làm nổi bật cuối chân cầu.
Địa chỉ: Gần cầu Xóm Bóng ,Tp. Nha Trang
Giá vé: 22.000đ/khách/lượt
Giờ mở cửa: 8h00 – 18h00
Kiến trúc của Tháp Bà Ponagar
Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc Chămpa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tất cả được chia ra thành 3 mặt bằng: Khu vực Tháp Cổng, Mandapa (khu tiền đình) và cuối cùng là khu đền tháp. Vì trải qua biến động của lịch sử và thời gian mà hiện nay, tháp bà chỉ còn lại 5 công trình kiến trúc tập trung ở Mandapa và Đền Tháp ở trên.
Mandapa ( khu tiền đình)
Khu vực Mandapa: có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che bằng các vật liệu nhẹ, vì trên mỗi cột lớn, tương ứng với chiều cao cột nhỏ đều có “lỗ mộng”. Trải qua thời gian, hiện nay không còn dấu vết mái che của Mandapa. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên.
Đi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên, các tín đồ phải đi theo các bậc rất dốc. Họ phải đi như bò, tay bám các bậc phía trên để không ngã ra sau và khi xuống phải đi lùi quay lưng xuống bên dưới, cách đi như vậy có thể để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần được thờ ở trên. Trải qua thời gian, lối đi này đã bị sạt lở, khó đi hơn nên người xưa mở đường bên cạnh, men theo sườn đồi lên tháp, đường mới này ít dốc hơn, dễ đi lại với các bậc xây bằng đá chẻ.
Khu đền tháp
Theo sử sách và những kết quả khảo sát thực địa, khu đền tháp này có tất cả sáu đền tháp. Ngoài bốn đền tháp còn hiện hữu, còn có hai đền tháp ở khu vực phía sau, nhưng hiện nay chỉ còn nền móng của tháp cũ. Người Chăm gọi tháp là Kalan, dịch sang tiếng Việt nghĩa là đền, tháp.
Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Mỗi tháp đều có bốn cửa ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Ba cửa ở ba hướng tây, nam và bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh.
Bia ký
Bia ký cổ Chămpa tại Tháp Bà Pô Nagar có giá trị không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu lịch sử khu đền tháp này nói riêng, cũng như lịch sử, văn hoá và tôn giáo của vương quốc Chămpa nói chung. Hiện nay, theo tài liệu được biết ở Pô Nagar có 28 đơn vị minh văn, trong số đó có một số bia chưa dịch được nội dung.
Tượng thờ và phù điêu
Ở giữa cửa tháp chính có một bức phù điêu chạm nổi, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chăm còn lại đến bây giờ. Bức phù điêu mô tả hình ảnh một vị nữ thần đang trấn áp con quỷ đầu trâu Mahisasura.
Bên trong tháp là tượng bà Ponagar tạc bằng đá hoa cương mà đen. Người ta cho rằng trước kia tượng đó là gỗ trầm hương và xa hơn nữa thì được tạc bằng vàng. Ngày nay, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu lại được phục trang theo lối của Phật giáo, không còn theo lối của Chămpa cổ xưa.
Du khách có thể chiêm ngưỡng những bức tượng gốc được mô phỏng lại tại khu nhà trưng bày. Những bức tượng này không mặc xiêm y như bức tượng ở tháp chính vì tín ngưỡng của người Chăm theo lối phồn thực.
Lễ hội tháp bà và điệu múa bóng huyền thoại
Không những mang ý nghĩa tâm linh cho người Chămpa mà lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng là ngày lễ lớn của tín dân Khánh Hòa. Hằng năm cứ đến ngày 20-23 tháng 3 âm lịch, lễ hội tháp bà được diễn ra rất long trọng. Người người dân hương, dâng hoa, dâng lễ vật để cầu mong dân chúng được ấm no, hạnh phúc và cầu xin mưa thuận gió hòa.
Ngoài múa bóng, lễ hội còn được diễn ra với các nghi thức:
Lễ thay y: diễn ra vào ngày 20/3 đúng giờ Ngọ 12h trưa.
Lễ thả hoa đăng: diễn ra vào lúc 19h – 21h ngày 20/3.
Lễ cầu quốc thái dân an: diễn ra lúc 6h – 8h ngày 21/3
Lễ cúng ngọ, cúng thí thực: diễn ra lúc 12h – 12h30 ngày 21/3
Tế lễ cổ truyền: diễn ra lúc 6h – 8h ngày 23/3
Lễ Tôn Vương, lễ Khai Diên: diễn ra lúc 6h – 9h ngày 23/3
Lễ Dâng Hương tạ mẫu: diễn ra lúc 23h – 24h ngày 23/3
Múa bóng và hát văn: diễn ra trong tất cả các ngày lễ hội.
Hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu: diễn ra lúc 10h – 15h ngày 23/3.
Tháp Bà mở cửa quanh năm cho du khách tới tham quan hành hương dâng lễ. Lệ phí thăm thú Tháp Bà chỉ 22.000đ/người, vậy nên nếu ghé Nha Trang, chớ bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng di tích lịch sử tuyệt vời này nhé.